Danh Mục
Nguyên liệu
- Củ mã thầy (củ năng): 30 củ (nếu không mua được củ mã thầy thì có thể thay thế bằng củ đậu nhưng sẽ không giòn và ngon bằng)
- Củ dền: 1 củ
- Lá nếp (lá dứa): 1 nắm
- Một gói bột năng: 400gr
- Một hộp nước cốt dừa mua sẵn: 400ml
- Đường cát
- Bột rau câu con cá dẻo
- Đậu xanh cà vỏ: 150gr
Cách làm
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Đậu xanh đãi thật sạch, ngâm nước 1 – 2h
– Lá nếp rửa sạch, cắt nhỏ, thêm chút nước cho vào máy sinh tố xay nhuyễn lọc nước cốt, cố gắng lọc nước cốt đậm đặc nhất để tạo màu xanh cho hạt lựu.
– Củ dền gọt vỏ, cắt nhỏ thêm chút nước xay nhuyễn, lọc lấy nước cốt, tạo màu đỏ hồng giống như màu của hạt lựu.
– Củ mã thầy, rửa sạch, gọt vỏ rồi ngâm ngay vào bát nước có vắt một thìa cà phê nước cốt chanh để củ năng được trắng hơn. Sau đó vớt ra để ráo, xắt hạt lựu.
– Chia đôi củ mã thầy đã xắt hạt lựu vào hai bát to:
- Bát thứ nhất đổ nước cốt lá dứa, bạn nên đổ ngập hết củ mã thầy đã xắt để đều màu
- Bát thứ hai đổ nước cốt củ dền vào ngâm
Ngâm hạt lựu trong 2 – 3h để hạt lựu ngấm màu
Bước 2: Cách làm thạch con cá dẻo
Trong lúc đợi hạt lựu ngấm màu chúng đi chuẩn bị làm thạch, nước cốt dừa, trân châu sợi dài từ lá dứa và bột năng, nấu đậu xanh…
Một gói thạch con cá dẻo: 25gr, chia làm đôi, đun sôi 1,5l nước, thêm vào 100gr đường, đợi nước sôi thì đổ một nửa gói thạch con cá dẻo vào, khuấy đều cho bột thạch tan hết và tắt bếp, đổ thạch ra khuôn, đợi nguội cho vào ngăn mát tủ lạnh.
*Lưu ý: Bạn có thể dùng các loại bột thạch dẻo khác,không nhất thiết phải dùng bột thạch con cá dẻo
Bước 3: Làm nước cốt dừa
Cách làm nước cốt dừa: đổ 1/2 lon cốt dừa (khoảng 200ml) vào nồi, thêm một thìa canh đường, 1/2 thìa cà phê muối, 50ml nước, đun sôi lăn tăn nhỏ lửa sau đó khuấy 1 thìa canh bột năng với chút nước đổ vào nồi nước cốt dừa, khuấy đều rồi bắc xuống ( lưu ý không được nấu lửa to, phải cho chút muối vào nước cốt dừa để tăng độ béo ngậy và đậm đà)
Bước 4: Làm đậu xanh
Cách làm đậu xanh: đậu xanh ngâm 1 – 2h, cho vào luộc hoặc hấp, chín đem xay nhuyễn (nếu đặc quá cho thêm chút nước) đổ vào nồi cho chút xíu muối, đường theo khẩu vị và chút vani, đợi sôi lại thì bắc xuống để nguội, cất ngăn mát tủ lạnh.
Bước 5: Làm trân châu sợi lá dứa
Cách làm trân châu sợi lá dứa: xay chút lá dứa lọc lấy nước cốt (khoảng 200ml), đun thật sôi đổ vào bát bột năng (cách nhồi bột như làm trân châu, bánh bột lọc) nên nước phải thật sôi, nhồi bột cho đến khi không dính tay mang ra cán mỏng cắt sợi, cắt sợi xong rắc chút bột năng vào để các sợi trân châu không dính vào nhau, đun sôi nồi nước, nhiều nước chút và để thật sôi sau đó thả các sợi trân châu vào luộc, khi các sợi trân châu nổi lên vớt ra bát nước lạnh, đợi trân châu nguội tiếp tục vớt ra bát, lúc này đổ vài thìa siro đường ngô vào trộn đều hoặc hoà nước đường thật đậm đặc để các sợi trân châu được dẻo không bị dính vào nhau.
Bước 6: Luộc củ năng
– Sau 3h vớt củ năng đã ngâm màu ra từng bát riêng (giữ lại phần nước ngâm của từng màu để lấy chính nước màu ngâm đó luộc riêng từng loại)
– Lấy bát hạt lựu màu củ dền ra rắc bột năng vào, trộn cho thật đều, càng nhiều bột năng thì khi luộc xong hạt lựu sẽ càng giòn, sau khi bột năng đã bám đều và các hạt lúc này tách rời nhau thì dùng cái rổ hoặc cái rây có lỗ to chút, rây sạch hết phần bột năng thừa. Cũng làm lần lượt với hạt lựu lá nếp như vậy nhé.
Cách luộc:
– Đổ từng bát nước màu vào nồi thêm chút nước (cố gắng nhiều nước chút nhé khi luộc hạt lựu sẽ không bị dính đặc lại) đun sôi lên, đổ củ mã thầy xắt hạt lựu phủ bột năng vào luộc, khi thấy lớp bột bao quanh củ mã thầy chuyển sang trong nổi hết lên trên thì vớt ra một cái bát nước lạnh cho hạt lựu không dính vào nhau (làm lần lượt từng màu nhé)
– Đợi nguội rồi vớt hạt lựu (củ mã thầy xắt hạt lựu phủ màu, phủ bột năng) ra cái bát to, thêm vài thìa đường ngô hoặc nước đường đậm đặc để chống dính và giữ độ dẻo không bị cứng của lớp ngoài hạt lựu, đảo đều, đậy kín.
Khi ăn múc đá bào ra bát, thêm chút hạt lựu, thạch, trân châu sợi, đậu xanh xay nhuyễn, uối cùng dưới nước cốt dừa lên trên, trộn thật đều và thưởng thức.
Một số lưu ý khi nấu chè sương sa hạt lựu
– Riêng hạt lựu, trân châu thái sợi không nên cho vào tủ lạnh, chỉ để bên ngoài, trường hợp không ăn hết trong ngày mà muốn để ngày hôm sau ăn mới bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh, nhưng khi mang ra ăn sẽ hơi bị cứng do lớp bột năng bên ngoài.
– Nước cốt dừa, đậu xanh, thạch thì để luôn vào ngăn mát tủ lạnh, để khi ăn các nguyên liệu được lạnh sâu và ngon hơn.