Nhân tiết lập thu, mình bày biện một chút quà của mùa, người xưa hay gọi là “thời trân”. Mùa thu xứ Bắc có hoa cúc, cốm xanh, thị vàng? Gói cốm tươi ngọt mềm, thưởng thức xong bạn có thể đem làm chè cốm, xôi cốm, bánh cốm, chả cốm, sữa chua cốm,…
Danh Mục
Nguyên liệu cho 6 bát chè
- Cốm tươi: 200g (có thể dùng cốm khô)
- Bột sắn dây/bột năng (bột đao): 2 thìa to
- Đường trắng: 100gr
- Nước: 1 lít
- Nước cốt dừa: 3 thìa
- Lá dứa hoặc dừa tươi nạo sợi thì món ăn càng thơm ngon
- Hạt sen
Các bước nấu chè cốm
– Nếu dùng cốm khô thì bạn rửa qua nước. Không cần ngâm vì cốm sẽ mềm rất nhanh thôi. Dùng cốm tươi thì bạn không cần sơ chế gì cả. Nếu có lá dứa thì bạn rửa sạch, cắt ngắn lá hoặc bó gọn lại.
– Đun sôi nước với đường, khuấy tan đường. Nếu có lá dứa thì đun cùng nước cho sôi, sau đó vớt lá ra mới cho đường, khuấy tan.
– Hoà tan bột sắn/bột năng với một ít nước. Đổ từ từ vào nồi nước đường đang sôi lăn tăn (nhớ vặn nhỏ lửa hết cỡ), vừa đổ vừa khuấy đều tay để bột tan đều, không vón cục.
– Nước sôi lại thì tắt bếp, đổ cốm vào. Nếu không thích ăn đặc và không thích cốm nở quá nên làm như vậy, cốm gặp nước nóng sẽ nở vừa, càng để lâu chờ nguội thì cốm càng nở to và dẻo. Nếu thích ăn chè đặc thì bạn đun sôi cốm với nước đường mấy phút mới tắt bếp.
– Đổ chè ra bát, rưới thêm nước cốt dừa cho béo ngậy. Nếu có dừa nạo thì bạn rắc lên và thưởng thức. Nhà sẵn hạt sen Huế nên mình ninh sen với nước, sôi 10-15 phút thì múc sen ra, lấy nước đó đun với đường như bước 2 bên trên. Sau cùng khi cho cốm vào thì cho luôn sen vào đảo đều. Mình không cho sen trước khi đổ bột sắn vì có thể làm bột khuấy không đều, dễ vón cục. Nếu thích hạt sen ngọt, bạn luộc xong sen thì xào sơ với chút đường để riêng rồi đổ cùng chè sau.
Chè cốm ăn nóng hoặc nguội đều được. Muốn ăn cốm mềm, nguyên hạt, không nở vón thì bạn ăn nóng hoặc chờ hơi nguội thôi. Nếu ăn nguội thì cốm rất mềm thơm, hạt nở to quyện vào nhau nhé. Có thể để tủ lạnh ăn càng mát hơn.